Archive

Posts Tagged ‘trịnh công sơn’

Xướng Ngôn Viên cho Kẻ Chết

13/01/2010 Leave a comment

Hôm nay lại đọc được thêm 1 bài chung quanh chuyện 2 ông Trịnh và “tham vọng” chính trị.  Ngồi suy ngẫm một hồi, nên post lên entry này.  Với đề tài “tham vọng TCS”, chẳng gì tốt hơn là trích lại một đoạn trong lời mở đầu của t/g Orson Scott Card cho quyển “Speaker For The Dead” (Xướng Ngôn Viên cho Kẻ Chết), một đoạn mà tôi chỉ muốn cắt và dán mỗi lần nghe bình loạn về kẻ chết.


Khái niệm về một “xướng ngôn viên cho kẻ chết” được khơi lên từ kinh nghiệm của tôi về cái chết và tang lễ. Tôi đã viết về hai thứ này rất nhiều ở những nơi khác; đủ để nói lên rằng tôi không hài lòng cho lắm về cách chúng ta sử dụng các buổi tang lễ để chỉnh sửa cuộc đời của người chết, để tạo cho người chết một câu chuyện rất khác biệt so với cuộc đời thật sự để, rốt cuộc, chúng ta giết chết người đó thêm một lần nữa. Không, nói thế hơi quá đáng. Tôi nên nói lại là chúng ta xóa bỏ người đó, chúng ta chỉnh sửa người đó, chúng ta biến người đó thành một người mà chúng ta dễ tưởng nhớ đến hơn là một người đã thật sự sống.

Tôi từ chối hành động này. Tôi nghĩ rằng một tang lễ thích hợp hơn sẽ là một buổi lễ để nói, một cách chân thật, người chết đó là ai và họ đã làm những gì. Nhưng đối với tôi, “sự chân thật” đơn thuần không có nghĩa là nói lên tất cả những gì không tốt đẹp thay vì chỉ nói về những điều tốt đẹp. Nó cũng không có nghĩa là quân bình hai thứ đó lại. Không, để thật sự hiểu được một người đã từng sống là ai, ý nghĩa của cuộc đời người ấy là gì, xướng ngôn viên của kẻ chết này sẽ phải giảng giải chính câu chuyện của kẻ chết – kẻ ấy đã muốn làm điều gì, và đã thật sự làm được gì, đã hối hận về những gì, đã hoan hỉ vì chuyện gì. Đó là câu chuyện chúng ta sẽ không bao giờ biết được, câu chuyện chúng ta sẽ không bao giờ có thể biết – tuy là vậy, sau cái chết, đó lại là câu chuyện duy nhất thật sự đáng được kể ra. (Orson Scott Card)


Thử hỏi trong chúng ta, những kẻ còn sống, ai là người đủ tư cách và đức độ để làm “xướng ngôn viên” cho kẻ chết? Về bài viết của h/s TC, tôi thấy đó là một bài đáng đọc. Nhưng chỉ đọc 1 lần… rồi thôi. Với tôi, h/s TC chưa có thể làm “xướng ngôn viên” cho n/s TCS. Và tôi cũng không nghĩ rằng h/s TC đã can đảm gì khi ông ta có rất nhiều cơ hội để viết khi TCS còn sống. Kẻ chết không phản biện, những xôn xao gần đây chỉ có nghĩa là dư luận muốn giết TCS một lần nữa mà thôi.

“Một ngày tiếng nói âu lo ra đời… Nụ cười vội cất cánh bay…
Một điều giấu kín trong tim con người… Một điều giấu kín thôi.”

Cập nhật thêm 5/7/09:

Nếu bạn có đọc qua quyển truyện ấy, bạn sẽ biết rằng danh hiệu “Speaker for the Dead” là một vinh dự. Và người sống nếu tìm được một người có thể nói thay cho mình sau khi chết, là một hạnh phúc. Có rất nhiều người thích làm chuyện này, nhưng số người xứng đáng được công nhận vinh dự này không nhiều bởi vì

  1. Người ta thường không biết gì nhiều (và chính xác) về kẻ chết
  2. Người ta thường nói theo quen điểm của mình, từ góc nhìn của mình, và
  3. Người ta chỉ chọn kể một phần của cả câu chuyện.

Về n/s TCS, tôi vẫn cho rằng người có nhiều khả năng để làm “Speaker” cho n/s TCS nhất chỉ vỏn vẹn có đôi ba người bạn thân của ông ta. Theo tôi nghĩ, h/s TC là người có khả năng nhất vì không mấy ai biết rõ về TCS hơn, và biết quý mến TCS hơn. Tôi nghĩ bài của h/s TC là 1 bài đáng đọc vì cảm nhận được nó chính xác. Tuy vậy, nó chỉ là một phần câu chuyện. Chỉ khi nào h/s TC chịu viết cả câu chuyện của n/s TCS thành một quyển sách nhỏ, và viết nhiều hơn từ góc nhìn của chính kẻ chết, tôi mới xem h/s TC là “Xướng Ngôn Viên cho Kẻ Chết”.

Giết chết TCS một lần nữa, không phải h/s TC, mà là những người đang lên tiếng khi nghĩ rằng mình “biết” TCS và phán này, tụng nọ. Cho nên tôi không chọn làm việc này.

Không ai có thể nói thay cho người chết một khi chưa biết quý mến người đó…

“Nhiều khi thấy trăm nghìn nấm mộ
Tôi nghĩ quanh đây hồ như
Đời ta hết mang điều mới lạ
Tôi đã sống rất ơ hờ”