Home > Điểm Sách > Thế Giới Của Ender 2/8: Chiếc Bóng Kẻ Sát Tinh

Thế Giới Của Ender 2/8: Chiếc Bóng Kẻ Sát Tinh

KD wrote:

Bạn có bao giờ bước vào thể giới ảo của truyện khoa học giả tưởng chưa? Thế giới ảo tôi đề cập đến không phải một thế giới của Bác Ba Tư và Thằng Đậu nhằm để giải trí cho trẻ nít, mà là một thế giới của lứa tuổi từ 16 trở lên, một thế giới mà hầu như mỗi nhà sáng tạo là 1 chuyên gia, một khoa học gia, một giáo sư, một nhà tâm lý, và/hoặc một nhà thiên văn. Một thế giới mà mỗi bộ truyện là một nấc thang đưa tác giả của nó đến đài danh vọng và tên tuổi họ được nhắc đến mãi trong văn chương khoa học gỉa tưởng vì mỗi cốt truyện là một bức tranh hoàn mỹ về sự tồn vinh của nhân loại, của thế giới, của tôn giáo, của triết lý. Điểm đặc biệt nhất là, nó không hoàn toàn ảo vì được đúc kết bởi nhiều năm nghiên cứu sâu sắc về văn hóa dân tộc mỗi quốc gia, sự kiện lịch sử chiến tranh, tiến bộ của khoa học, và óc sáng tạo. Chính sự sáng tạo này biến các tác giả thành những nhà thông thái vì họ đã nghĩ ra những gì ta có được hôm nay nhiều thập niên trước khi chúng được sáng chế. Với loạt bài này, mời bạn bước vào thế giới ảo của Ender (Sát Tinh) và Bean (Đậu) của nhà văn Orson Scott Card.

<><><> Links <><><>

Bài 1: Ender’s Game (Trò Chơi Kẻ Sát Tinh)
Bài 2: Ender’s Shadow (Chiếc Bóng Kẻ Sát Tinh)

hinh bia ender's shadow

Là quyển truyện thứ nhì trong bộ truyện khoa học giả tưởng Ender (Sát Tinh) của nhà văn Orson Scott Card, Ender’s Shadow (Chiếc Bóng Kẻ Sát Tinh) được sáng tác để bổ sung cho quyển 1 (Ender’s Game). Thay vì tiếp tục câu chuyện của quyển 1, Orson Scott tường thuật lại câu chuyện của quyển 1 từ một khía cạnh khác. Chiếc bóng của Ender ở đây mô tả nhân vật Bean trong binh đội của Ender ở Trường Tác Chiến. Dù đã biết trước những diễn tiến của câu chuyện, Ender’s Shadow là một quyển sách không thể bỏ qua vì nó dẫn chúng ta đến gần với nhân vật Bean, một nhân vật quan trọng đối với sự tồn vong của nhân loại sau cuộc chiến thứ nhì với người Bọ. Quyển truyện này cũng tạo những bất ngờ thú vị khi nhìn vào những sự kiện vây quanh nhân vật Sát Tinh từ phía Bean.

Truyện bắt đầu từ Rotterdam, một thành phố hỗn độn không kém phần hoang tàn sau đợt tấn công đầu tiên của người Bọ. Hàng ngàn trẻ em bị bỏ rơi vô gia cư, không người thân đang tìm đủ mọi cách để sống còn. Từ bươi móc rác rưởi để ăn cho đến bán thân cho những kẻ thích sờ mó trẻ em để tìm miếng ăn thức uống, cuộc sống của từng đứa trẻ là một hành trình đi đến cái chết có thể đếm từng ngày, và hành trình ấy nhiều lúc chỉ có thể duy trì bằng cách quay lưng hoặc đem đến cái chết cho những đứa trẻ khác. Những đứa trẻ nhỏ con, yếu đuối thường bị bắt nạt, miếng ăn kiếm được từ sọt rác bị cướp trên tay và kết cục là đói chết bên lề đường. Những phần tử sống sót thường kết thành nhóm nhỏ để kiếm ăn và lẩn tránh những chỗ đông người, những đứa lớn hơn. Poke là tên của một cô bé trưởng của một trong những nhóm trẻ này.

Nhân vật Bean bước vào thế giới này lúc 1,2 tuổi… không tên họ với một thân thể nhỏ khoảng một đứa bé vài tháng tuổi, khảnh mảnh đến nổi không đủ sức để đứng lâu trên hai chân. Vì thân thể quá nhỏ, mảnh vụn sót lại từ miếng ăn trong sọt rác của một đứa trẻ khác cũng đủ để Bean cầm chừng qua ngày. Cậu ta sống sót bằng cách lê lết kiếm ăn từ những thứ mà những đứa trẻ lớn hơn bỏ lại sau khi bươi móc và đồng thời trốn trong bóng tối lẫn tránh những ai cậu ta gặp. Cho dù với một bộ óc thông minh siêu việt khác người thường ở tuổi đó, cái chết cậu ta đã lẫn tránh một cách phi thường cũng đến và khiến cậu ấy phải tận dụng sự thông minh của mình để sống còn. Bữa ăn cứu mạng đầu tiên mà Bean được người khác trao tặng chỉ vỏn vẹn vài hạt đậu. Những hạt đậu ấy là giúp Bean sống qua hôm đó và cũng là tên gọi của Bean.

Những kế sách nho nhỏ từ thân thể nhỏ bé này đã dẫn đến những thay đổi đáng kể trong cuộc sống của một nhóm trẻ. Những thay đổi từ một nhóm trẻ tác động đến những đứa trẻ khác và cuối cùng tạo được một sự thay đổi rộng rãi trong tầng lớp hỗn độn này. Kết quả của sự thay đổi này là mỗi tên to đầu đều cần phải có một nhóm trẻ nít để xin ăn và phải đối xử tốt với chúng, nếu không sẽ bị tên to đầu khác giành. Không ai hoàn toàn no bụng, nhưng tất cả bắt đầu theo lề lối, trật tự… Sự trật tự của một thế giới hỗn độn. Cuộc sống bon chen này cũng đã đem đến cho Bean một người bạn đáng sợ tên là Achilles.

Những biến đổi này khiến Sơ Carlotta (nhân viên tuyển người của Trường Tác Chiến) tìm đến Rotterdam để tìm hiểu và khám phá Bean. Sơ Carlotta cũng điều tra ra thân thế Bean, lý do cậu ta có một thân hình nhỏ bé, một bộ óc siêu việt hơn hẳn Ender, và tương lai u ám của cậu ta. Tất cả đều là tác động của thứ gọi là Anton’s Key, chìa khóa mở “gene thông minh” mà khoa học gia Anton đã khám phá ra trong bộ DNA của con người. Sơ Carlotta đã không ngần ngại đem Bean về để chờ ngày gửi vào Trường Tác Chiến mặc dù Bean chỉ mới 4 tuổi (so với Ender lúc 7 tuổi và điều kiện của Binh Đoàn Quốc Tế – 10 tuổi).

Đó chỉ là phần đầu của quyển truyện về Bean. Cấp chỉ huy và huấn luyện viên ở Trường Tác Chiến nhận diện sự thông minh khác thường của Bean từ ngày đầu và bắt đầu so sánh Bean với Ender trong khi Bean tìm cách chứng minh bản lãnh của mình để khỏi trở về thế giới Rotterdam. Tương tự như Ender, Bean rất nhỏ tuổi và rất nhỏ con… lại thông minh hơn tất cả. Cuộc sống của Bean ở Trường Tác Chiến cũng không kém phần vất vả mặc dù mối de dọa tính mạng và cơn đói không còn là một vấn đề. Ngoài Ender, chỉ có Petra, một cô bé lớn tuổi hơn Bean ở lớp cao hơn mà Bean tình cờ gặp là người bạn duy nhất thật sự nể trọng Bean.

Bạn có lẽ sẽ không hứng thú tìm đọc Ender’s Shadow nếu không thích cốt truyện của Ender’s Game. Nhưng bạn không thể bỏ qua Ender’s Shadow khi cần tìm hiểu về Bean và hiểu thêm về Ender, nhất là tầm quan trọng của Bean đối với Ender. Một cuộc đối thoại nhỏ trong truyện giữa Bean và vị chỉ huy Trường Tác Chiến khi Bean yêu cầu được đến xem xét kho dụng cụ sẽ giúp bạn nhận rõ lý do óc sáng tạo không thể nào tận dụng được với thông tin bưng bít. Ông Cards cũng nói đến tâm trạng vị chỉ huy khi biết rằng không có bí mật quân sự nào lọt khỏi tầm mắt của Bean. Từ quyển này, bạn sẽ rúc tỉa câu trả lời (không phải đúng hoặc sai, chỉ có lý) cho các câu hỏi như: Làm cách nào để tận dụng óc sáng tạo của một nhân tài? Khi nhận diện được người tài và biết họ bất đồng chính kiến với mình, nên trừ đi họ hay thay đổi chính sách của mình? Kế sách ngu xuẩn khi được sử dụng bởi người khôn có nên xem là ngu xuẩn không? Gạt bỏ ý kiến của người mình cho là có tài, có phải vô hình trung tự nhận mình là kẻ bất tài? Nếu cái tài đó giúp mình sống còn thì phải làm sao? Nhận định một người tài từ những thành quả của họ hay từ cái “hiểu” và “không hiểu” của mình đối với mục đích của họ? Bean không phải “con người” trên phương diện sinh học theo mô hình gene; nhưng so với rất nhiều người được cho là “con người”, Bean tốt hơn nhiều vì cậu ấy có một trái tim. Vậy 1 con người không trái tim hay một con thú có trái tim tốt hơn? Cuộc sống của Bean qua bốn quyển “Shadows” trong bộ truyện sẽ giúp bạn trân trọng sự hy sinh của những “anh hùng trong bóng tối” của từng cuộc chiến. Khi sử sách được viết theo sự thật, anh hùng thật sự sẽ do người đọc quyết định, không phải được vinh danh bởi người viết.

Bộ truyện được chia làm hai phần: Thế giới của Ender (trãi dài 3000 năm) và thế giới của Bean (25 năm lồng trong thế giới của Ender). Ender’s Shadow là quyển 1 của 4 quyển “shadows”. Tôi đã đọc nó nhanh hơn và kỹ càng hơn Ender’s Game dù đã biết đoạn kết.

Những Câu Nói từ Ender’s Shadow

1. “Người Công Giáo đã dự đoán ngày tàn không thể tránh của thế giới nhiều lần trong mấy nghìn năm qua.”
“Nhưng thế giới cứ mãi không tàn.”
“Vậy cũng tốt thôi”.

2. “Chúng ta có thể sống mãi nếu chúng ta chấp nhận sự ngu si suốt cuộc đời”.
“Ý của bạn là Thượng Đế phải lựa chọn giữa cuộc sống lâu dài và sự thông minh?”
“Việc đó hiển nhiên trong Kinh Thánh của bạn qua 2 cây trong vườn tượng trưng cho sự sống và kiến thức. Ăn từ cây của sự sống, sẽ là một đứa trẻ sống mãi ở đó. Ăn từ cây của kiến thức, bạn sẽ chết.”
3. “Và cậu ấy bắt đầu nghĩ: Đây là cách trẻ nít duy lý sự ngu xuẩn đối với bản thân chúng”

4. “Những người ở trên bạn, họ không bao giờ muốn chia quyền với bạn. Tại sao phải kỳ vọng ở họ? Họ sẽ không cho bạn gì cả. Những người ở dưới bạn, cho họ hy vọng và nể trọng họ, họ sẽ cho bạn quyền lực. Vì họ không nghĩ họ có quyền, họ sẽ không ngần ngại trao cho bạn.”

5. “Anh tỏ vẻ chăm chú lắng nghe tôi nói, nhưng không phải để rút tỉa thông tin hữu dụng mà lả để chờ bắt tôi khi tôi có sơ xuất khi lập luận. Việc ấy cho chúng tôi biết là anh đã quen với trường hợp mình thông minh hơn thầy… và lắng nghe giảng để tìm cơ hội chứng minh điều đó với các trò khác.[…] Sự trao đổi quan trọng duy nhất ở đây là truyền đạt thông tin cần thiết từ những người có thông tin đó đến với những người chưa có thông tin đó. Và chở đợi sơ hở là một hành động phí thời gian vi phạm nội quy.”

6. “Cậu ấy rất ngạc nhiên khi nhận ra vài người trong đám ấy. Cậu ấy cũng nhận thức rằng hành động vô ý có thể biến bất cứ ai trong chúng ta thành một thằng hề.”

7. “Đó là vấn đề tôi nghĩ anh không hiểu rõ. Cảm giác của một người không phải là anh. Không phải lúc nào vấn đề cũng dễ dàng và rõ ràng.”

8. “Hắn không quan tâm ai nhất ai nhì… Hắn cũng không quan tâm đến thắng thua đối với những trò khác. Hắn chỉ quan tâm đến làm thế nào để chiến thắng bọn người Bọ”

9. “Có thể lý do khiến Ender giỏi vậy là vì anh ta đòi hỏi nhóm trưởng các nhóm trong binh đội của anh ta trao đổi thông tin với nhau, toàn quyền thi triển những ý kiến mới miễn họ cùng thấu hiểu triệt để một mục đích chung.”

10. “Tôi đề nghị việc này. Từ nay trở đi, chúng ta không để ý đến bảng điểm nữa. Chúng ta không chơi trò chơi của họ và rèn luyện để chuẩn bị cho cuộc chiến với kẻ thù thật sự. Nên nhớ kẻ thù chúng ta là ai.”

11. “Tôi thấy, tôi nghĩ, tôi viết… và tôi thay đổi thế cuộc toàn cầu một chút đỉnh. Đó là một cảm giác say sưa. Điều đó khiến những gì học được ở Trường Tác Chiến trở thành vô nghĩa khi đem ra so sánh.”

  1. No comments yet.
  1. No trackbacks yet.

Leave a comment